GIỚI THIỆU VỀ TRƯỜNG MẦM NON NAM DƯƠNG

Tháng Tám 23, 2016 4:18 chiều

GIÁO DỤC MẦM NON NAM DƯƠNG

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

MẢNH ĐẤT CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG NAM DƯƠNG

   Năm 1956 sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất xã Nam Dương được thành lập gồm các thôn: Thôn Bái Dương, thôn Cổ Lũng, thôn Phan, thôn Xẫy. Đến năm 1972 theo yêu cầu quy vùng sản xuất của huyện ủy Nam Ninh xã Nam Dương chuyển thôn Cổ Lũng, thôn Phan, thôn Xẫy về xã Nam Bình và tiếp nhận thôn Long Đầm, thôn Vọc, thôn Giữa.

   Đến nay xã Nam Dương gồm 13 thôn. Diện tích hành chính 608,11ha với trên 11.700 người, là một xã thuần nông. Nhân dân cần cù, có trình độ thâm canh cao và có truyền thống hiếu học. Là quê hương của Tiến sĩ Ngô Thế Vinh và Tú tài Nguyễn Khắc Doanh. Mảnh đất và con người Nam Dương thấm đượm truyền thống tốt đẹp của cha ông. Đó là đất thượng võ, hiếu học và văn hiến.

   NHỮNG NĂM ĐẦU SAU CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT VÀ NHỮNG NĂM KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ CỨU NƯỚC (1956 – 1975)

   Giáo dục mầm non Nam Dương còn gặp rất nhiều khó khăn, trường lớp chưa qui củ phân về theo các đội sản xuất, mẫu giáo và nhà trẻ tách riêng. Hợp tác xã có trách nhiệm chính trong việc tổ chức và quản lý nhóm trẻ và lớp mẫu giáo. Việc chi trả lương cho người giữ trẻ được tính công điểm như người xã viên bình thường, mỗi năm được trả 2 lần theo hai vụ mùa.

   Những năm tháng kháng chiến chống Mĩ mặc dù chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mĩ diễn ra ác liệt nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng “Dù hoàn cánh khó khăn thế nào, dù chiến tranh ác liệt đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Các lớp được sơ tán vào nhà kho của đội sản xuất được che phòng chu đáo giao thông hào. Các lớp mẫu giáo được nuôi dạy tốt, được công nhận là “Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”.

   NHỮNG NĂM HÒA BÌNH LẬP LẠI ĐẾN KHI THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC (1976 – 1986).

   Sau khi đất nước thống nhất được Đảng và nhà nước quan tâm, các cháu nhà trẻ được cấp khẩu phần “PAM” theo dự án 2651 của nhà nước. Phong trào nhà trẻ, mẫu giáo phát triển mạnh, là đơn vị tiên tiến của huyện, toàn xã có 4 lớp mẫu giáo và 16 lớp nhà trẻ. Các cháu được nuôi dưỡng ăn theo 3 chế độ . Được phòng GD-ĐT quan tâm giúp đỡ về chuyên môn. Số bé chăm ngoan, sạch sẽ đạt tới 95%. Gia đình và các cô giáo phối kết hợp tốt trong việc chăm sóc các cháu. Các lớp được xây dựng mới hoặc cải tạo khang trang theo các cơ sở. Ủy ban bảo vệ bà mẹ trẻ em huyện Nam Ninh công nhận nhà trẻ Thi Châu, nhà trẻ Chiền, nhà trẻ Tây Bái Dương là nhà trẻ tiên tiến. Phong trào nhà trẻ xã nhà là điểm sáng của huyện.

   MẦM NON NAM DƯƠNG TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU THỜI KỲ ĐỔI MỚI (1987 – 1995)

   Tháng 2 năm 1987 ủy ban bà mẹ và trẻ em trung ương nhập với Bộ Giáo dục, ngay sau khi nhà trẻ sát nhập vào với mẫu giáo, cục Bảo vệ – Giáo dục trẻ em dưới sự chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục đã ra đề án “ Phát triển giáo dục mầm non”. Ngày 19/9/1990, Bộ trưởng ra Quyết định số 1295/QĐ ban hành quy chế nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo gia đình, nhà trẻ dân lập và trường mẫu giáo dân lập. Ngày 2/6/1994, Bộ trưởng ra Quyết định số 1447/GD-ĐT ban hành quy chế trường lớp mầm non tư thục.

   Chủ trương đa dạng hóa các loại hình trường lớp mầm non là một biện pháp huy động nguồn lực trong nhân dân, song các nhà trẻ trong thời kỳ chuyển đổi cơ chế từ nền kinh tế bao cấp sang nền thị trường định hướng XHCN đã gặp nhiều khó khăn, việc giảm sút số lượng dẫn đến sự tan vỡ hàng loạt các nhà trẻ trong xã. Đây là thời kỳ gian khó trong công tác nhà trẻ của giáo dục mầm non Nam Dương, bởi sau khoán 10 HTX không còn nguồn thu để nuôi các cháu và trả lương cô; số lao động dôi dư tăng lên nên các bà mẹ có thể vừa lao động sản xuất vừa nuôi con hoặc gửi cho ông bà để bớt phần đóng góp gửi con đi nhà trẻ. Rồi bà ở nhà trông cháu, trông luôn cả vài ba cháu khác để thu nhập thêm. Dần dần các nhóm trẻ tư thục nảy sinh và phát triển. Tuy nhiên số trẻ đến nhà trẻ vẫn thấp vô cùng.

   Đối với mẫu giáo số lượng những ngày đầu giảm ít nhưng với tinh thần khắc phục mọi gian khó, các cô giáo hàng ngày đến từng nhà để đón các cháu đến trường. Dần dần số trẻ mẫu giáo đi học tăng lên, đặc biệt là trẻ 5 tuổi tăng nhanh. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương một số đồng chí có năng lực được cử đi học đào tạo chuyên ngành mẫu giáo như đồng chí Đoàn Thị Bé, đồng chí Vũ Thị Hợp.

Trong thời gian này mẫu giáo Nam Dương là một trong những trường tiên tiến của huyện.

   GIÁO DỤC MẦM NON NAM DƯƠNG TỪ NĂM 1996 ĐẾN NAY

   Sau khi Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua Giáo dục mầm non cả nước nói chung và Giáo dục mầm non xã nhà nói riêng có những bước phát triển không ngừng và ngày càng lớn mạnh.

   Năm 1998 trường có con dấu riêng, đồng chí Cao Thị An chính thức được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng thay cho chức danh Quản lý chuyên trách. Tháng 6/1997 đội ngũ giáo viên được hưởng trợ cấp 40.000đồng/tháng, đến tháng 1 năm 2002 đội ngũ giáo viên được ký hợp đồng với UBND huyện và được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Số lượng học sinh đến trường và đến các nhóm trẻ tăng nhanh. Đội ngũ giáo viên không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ gốc ban đầu có 2 đồng chí có trình độ sơ cấp mẫu giáo đến nay trường đã có 8 đồng chí có trình độ Đại học, 13 đồng chí có trình độ cao đẳng và 16 đồng chí có trình độ Trung cấp. Trường có Chi bộ riêng được thành lập tháng 10 năm 2006.

   Năm học 2004-2005 trường được chuyển đổi thành loại hình trường bán công. Đồng chí Nguyễn Thị Ánh Tuyết được bổ nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng. Năm học 2006-2007 đồng chí Đoàn Thị Lan được bổ nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng, năm học 2013-2014 đồng chí Trần Thị Bão được bổ nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng.

   Từ năm 1996 đến năm 2006 trường liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến, nhiều đồng chí đạt danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua, lao động giỏi. Song đứng trước thực tế cơ sở vật chất của nhà trường bị xuống cấp 16/16 nhóm lớp học nhờ rải rác trên các câu lạc bộ của thôn đội, trường đã không đạt trường tiên tiến. Tuy vậy đội ngũ cán bộ giáo viên vẫn không ngừng học hỏi vươn lên thi đua dạy tốt, học tốt.

   Đến tháng 11 năm 2010 trường được Đảng và chính quyền địa phương quan tâm cho tiếp quản khu trung tâm với 10 phòng học và phòng chức năng có đầy đủ nội thất trang thiết bị dạy học theo TT 02. Đến nay trường có 32 cán bộ giáo viên đã được hưởng lương theo biên chế nhà nước và theo QĐ 60 TTG. Với sự cố gắng phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ giáo viên từ năm học 2010-2011 trường liên tục đạt đạt danh hiệu trường tiên tiến và năm 2011 trường đạt danh hiệu “Trường học có nếp sống văn hóa.”

   * Những cán bộ quản lý của nhà trường qua các thời kỳ:

– Thầy Hùng phụ trách mẫu giáo.

– Thầy Đông phụ trách mẫu giáo.

– Cô Phạm Thị Phương phụ trách mẫu giáo.

– Cô Phạm Thị Chè phụ trách mẫu giáo, (đến năm 1990 cô chuyển công tác).

– Cô Vũ Thị Mùi phụ trách nhà trẻ. (Năm 1994 cô nghỉ chế độ)

– Cô Cao Thị An – Hiệu trưởng (Từ năm 1990-2010 nghỉ chế độ)

– Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Hiệu trưởng ( từ 1/2011 đến nay)

* Các thành tích của các cán bộ giáo viên trong trường:

– Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 1998-1999

– Cô Đoàn Thị Lan – Giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 1998-1999

– Cô Phạm Thị Duyên – Giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2002-2003

– Cô Chu Thị Hồng Hà – Giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2014-2015

   KẾT LUẬN

   Từ khi xã Nam Dương được thành lập đến nay trải qua 60 năm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và chính quyền địa phương, phòng GD-ĐT huyện Nam Trực trường mầm non Nam Dương đã không ngừng phát triển và lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tập thể cán bộ, giáo viên trường mầm non Nam Dương rất đỗi tự hào những thành quả đã đạt được. 60 năm ấy biết bao gian lao và thử thách, thành công có, thất bại có. Có những lúc phong trào trắng một vài thôn, có những lúc không đủ số lượng giáo viên đứng lớp, đời sống vật chất của giáo viên vô cùng khó khăn, nhưng với tinh thần yêu nghề mến trẻ và được sự quan tâp sâu sắc của Đảng, chính quyền địa phương, của phòng GD-ĐT huyện Nam Trực, tập thể cán bộ giáo viên đã vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu không ngừng để đưa phong trào giáo dục mầm non xã nhà ngày một đi lên, thực sự là cái nôi nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ thơ. Xứng đáng là địa chỉ tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã

   Năm học 2011-2012 với nhiều đổi mới: Đổi mới loại hình trường, từ trường bán công chuyển sang trường công lập. Cơ sở vật chất được khang trang đầy đủ, có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo nhà trường. Thực hiện nhiệm vụ năm học “ Tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Tiếp tục đẩy mạnh việc “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đẩy mạnh cuộc vận động “ Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, tự sáng tạo”; cuộc vận động “Hai không với 4 nội dung” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Năm học 2016 – 2017 trường mầm non Nam Dương quyết tâm xây dựng thành công trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ I góp phần xây dựng quê hương Nam Dương giầu đẹp văn minh./.

                                                                                                                    Hiệu trưởng

 

 

                                                             Nguyễn Thị Ánh Tuyết